NHỮNG LỖI CƠ BẢN KHI GIAO DỊCH KHIẾN FOREX TRỞ NÊN NGUY HIỂM.
Ngày: 13/12/2020 lúc 16:21PM
Khi tiếp xúc với nhiều bạn traders, tôi nhận được rất nhiều những chia sẻ của họ về những lỗi giao dịch họ hay mắc phải ( khiến họ thua lỗ ) và cùng thảo luận cách khắc phục những lỗi này. Ta thấy các traders đều mắc đi mắc lại những lỗi này, khiến chúng ta nản lòng trên con đường tìm kiếm thành công với thị trường giao dịch ngoại hối.
“Người ta” nói : “Đừng mạo hiểm quá 5% tài khoản của bạn”
Nhưng tôi hy vọng bạn nghĩ theo cách 5%; 10% chỉ là 1 con số, phù hợp với từng người, …
Việc cố định một số phần trăm nào đó cho mức độ rủi ro bạn nên chấp nhận là điều rất nhiều trang web và khóa học nói với bạn. Theo quan điểm của tôi, đó là một hướng tiếp cận sai lầm trên thực tế. Nó có thể khiến bạn luẩn quẩn trong việc giao dịch không hiệu quả. Cách giải thích của tôi như sau:
Lý do chính mà các traders hay đưa ra 1 con số % là rủi ro chấp nhận cho 1 lệnh giao dịch bởi đấy là một ý tưởng tốt, đúng vậy. Họ tin tưởng điều này sẽ giúp họ tăng tài khoản lên một cách chắc chắn, giảm thiểu rủi ro nếu lệnh thua. Điều này có lẽ bạn đã nghe qua quá nhiều rồi. Nếu tài khoản của bạn bị lỗ 50%, bạn cần gấp đôi tài khoản ấy lên (100%) để khôi phục lại số tiền trong tài khoản ban đầu.
Giả sử tài khoản của bạn đang bị thua lỗ 50% so với số vốn ban đầu, bạn có thấy rằng nếu áp dụng “luật” 5% rủi ro, thì con số 5% lúc này chỉ bằng 1/2 so với con số 50% ở tài khoản ban đầu không? Bây giờ nhiệm vụ của bạn là gấp đôi số tiền đang có, với rủi ro chấp nhận là 1/2 của 5% (vốn ở tài khoản ban đầu) để có thể trở lại trạng thái vốn ban đầu. Điều này nghe có vẻ rất khó khi mức độ chịu rủi ro của bạn đang thấp dần đi trong khi bạn muốn kiếm được nhiều tiền hơn với những lệnh thắng. Nó sẽ càng tệ hơn khi bạn gặp phải chuỗi những lệnh thua liên tiếp ( 4 lệnh thua liên tiếp chẳng hạn ), mức độ chấp nhận rủi ro chẳng lẽ sẽ giảm dần theo 4 lần sao?
Tôi khuyên bạn không nên dùng con số %, hãy dùng con số về tiền. 100$, 200$, 500$, … cho 1 lệnh thua. Và luôn nhớ số tiền cutloss của bạn sẽ tương ứng với số lot mà bạn vào lệnh với những ngưỡng cản / kháng cự, …
“Rủi ro luôn đi kèm với lợi nhuận, bạn không thể mong kiếm được một khoản lợi nhuận tương đối khá với số tiền chấp nhận mất quá thấp.” Bạn hiểu ý tôi chứ?
Trở thành trader tham lam một cách ngu ngốc.
Lòng tham luôn là thứ hại chúng ta, đặc biệt là trong trading. Ta rất dễ trở nên tham lam khi bị tiền bạc và vật chất làm mờ mắt.
Đa phần các traders đều khá giống với hình ảnh những kẻ liều mạng trong sòng bạc, theo đuổi một giấc mơ đổi đời giàu có sau một đêm. Đó là thứ gây nghiện, nó ăn sâu vào người bạn, dụ dỗ bạn, cho đến khi bạn muốn thoát ra thì cũng là lúc không còn xu dính túi.
Hãy luôn sống với thực tế, đừng theo đuổi những “quả to” ở mọi lệnh giao dịch, bởi nó rất hiếm khi xuất hiện. Nếu như bạn có tỉ lệ rủi ro/lợi nhuận là 1:2 hay 1:3 ( số tiền 1 lệnh thua = 1/2 – 1/3 số tiền lệnh thắng ), điều đó thật tuyệt vời. Tỉ lệ đó là tiêu chuẩn nhà nghề rồi đấy, bạn chẳng cần thiết phải tham lam hơn (trừ khi bạn nhìn nhận khách quan rằng cơ hội vẫn còn nhiều, nếu vậy hãy nằm im tận hưởng ).
Thật khó để biết khi nào nên thoát một trạng thái, thoát sớm thì tiếc, thoát muộn thì ân hận, nhưng chúng ta không ai có thể mua đáy và bán đỉnh phải không? Điều chúng ta cần ở đây là sự hợp lí, ý tôi là nếu bạn đang có tỉ lệ rủi ro/lợi nhuận là 1/2 hay 1/3 mà thấy thị trường có vẻ không còn đi được xa, ta chốt lệnh và thu tiền về và tiếp tục “rình” thôi. Chúng ta không sợ mất cơ hội ( thị trường luôn luôn sẽ cho chúng ta cơ hội ), điều chúng ta sợ là mất tiền ( chẳng ai cho ta tiền cả, trừ hai cụ thân sinh).
Giao dịch trong ngày và lối đánh scalping (đánh nhanh, giao dịch mua đi bán lại liên tục).
Với quan điểm của tôi thì, bạn nên tránh xa kiểu giao dịch này. Hồi mới tham gia vào thị trường Forex, tôi cũng scalping, rất điên cuồng (sau kết quả rất ấn tượng khi chơi demo, từ tài khoản 3.000$ lên 11.000$ trong 6 ngày). Khi ấy tôi nghĩ đó là cách nhanh nhất để kiếm được nhiều tiền. Kết quả thì bạn cũng có thể đoán ra, tôi đã làm cháy nhiều tài khoản. Tệ hơn nữa, nó làm tôi hay bực dọc, căng thẳng khi tập trung ngồi trước máy tính cả ngày để vào lệnh, thức đêm dậy sớm vì không muốn bỏ lỡ bất kì nhịp di chuyển nào của thị trường.
Đây là một lỗi rất nguy hiểm, nó làm bạn cháy tài khoản cực kì nhanh, và bạn thì chẳng học thêm được gì mấy qua những lần như vậy. Những người mới tham gia thường xuyên mắc phải sai lầm này, và họ một là chuyển sang theo dõi – giao dịch với khung thời gian lớn hơn (H4,D1,W1), vào lệnh chọn lọc hơn (3-4 lệnh/tháng chẳng hạn), hai là họ bỏ cuộc sau khi mất quá nhiều tiền.
Kết hợp nhiều phương pháp – hệ thống giao dịch.
Khi tham dự những buổi họp offline của nhiều câu lạc bộ trading, tôi thấy mọi người có rất nhiều chiến thuật giao dịch, rất nhiều những con robots với code khác nhau, rất nhiều. Rất nhiều chiến thuật được quảng cáo, rất nhiều robots được bán ra với hứa hẹn đầy thú vị tuy nhiên trên thực tế, nhiều khả năng là bạn đang lãng phí thời gian và tiền bạc của mình vào những thứ không hiệu quả.
Hãy tìm một phương pháp mà bạn cảm thấy tin tưởng, bỏ tiền ra học nó, thử nó một cách nghiêm túc và lâu dài, đừng nản lòng quá sớm với những kết quả không như mong đợi. Đừng kết hợp nhiều phương pháp lại với nhau, mỗi phương pháp đều có một triết lý giao dịch riêng của nó, việc kết hợp lại không làm nó tốt hơn.
Tự mãn và kiêu ngạo.
Hai điều này cũng nguy hiểm như thằng tham lam ở trên vậy. Nhiều traders bị mắc phải lỗi này. Một người anh của tôi có nói rằng : “may cho em vì khi bắt đầu em bị mất tiền, tốt hơn là kiếm được nhiều ngay từ đầu.”
Quả đúng vậy, nếu bạn kiếm được tiền (nhiều) từ khi mới bước vào thị trường này, nhiều khả năng bạn sẽ trở nên tự mãn và kiêu ngạo. Bạn sẽ khó nghe theo lời khuyên của người khác, khó chấp nhận sai lầm của mình, …
Điều ta cần ở đây là sự khiêm tốn. Các traders huyền thoại như Livermoore, Buffett, … đều khuyên bạn nên giữ kín kế hoạch giao dịch, những lệnh giao dịch của mình. Tôi rất thích Livermoore, ông luôn giữ tim lặng về những đầu cơ của ông. Nếu ông thắng, khi ấy ông đã làm đúng, nếu ông thua, có nghĩa ông đã làm sai. Tại sao phải than phiền, tại sao phải giải thích?
Một khi bạn chia sẻ điều này với người khác, bạn sẽ có nguy cơ để những cảm xúc (đến từ người khác và chính bản thân bạn) chen vào công việc của bạn. Nếu ban đang kiếm được tiền từ thị trường này, hãy cứ sống khiêm tốn và đừng khoe khoang với ai, con đường thành công của bạn sẽ vẫn còn rất dài phía trước …
Có 1 câu nói khá hay, tôi không nhớ là của ai, như sau : “Khi bạn bắt đầu khoe khoang là mình tài giỏi, vĩ đại ra sao thì thị trường dường như có ma lực nào đó kéo bạn xuống đất trong nỗi xót xa, tủi hờn.”
Theo dõi và giao dịch những cặp tiền tệ “lạ”.
Bạn tôi có lần chia sẻ, ông mới bị mất 1 khoản tiền kha khá cho cặp GBP-NZD, cặp mà họ chẳng chơi bao giờ cả. Một trader với hơn 10 năm kinh nghiệm, thi thoảng cũng mắc những lỗi như vậy.
Tôi khuyên bạn nên giao dịch những cặp tiền tệ chính, chúng là tốt nhất rồi. Chẳng có lí do gì để bạn theo dõi 20-30+ cặp tiền tệ khác nhau, bởi lẽ những cặp tiền tệ chính cộng thêm thị trường vàng, bạc, dầu chắc chắn sẽ cho bạn rất nhiều cơ hội mỗi tháng, hãy tập trung theo dõi chúng.
Rất nhiều traders nghĩ rằng, hãy theo dõi càng nhiều cặp tiền tệ càng tốt, điều này giúp ta có thêm thật nhiều cơ hội để làm giàu. Nhưng một khi bạn không hiểu về 1 cặp tiền tệ, không có 1 thời gian đủ dài theo dõi sát sao và hình thành “cảm giác” đối với chúng, bạn sẽ có nguy cơ rủi ro rất cao khi giao dịch 1 cặp tiền tệ “lạ”
Suy nghĩ quá nhiều.
Đây là điều cuối của bài viết này. Rất nhiều traders thích giao dịch liên tục, ngắm bảng điện tử cả ngày, để ý tới đủ mọi thứ miễn là nó liên quan đến công việc giao dịch của họ. Họ sẽ có cảm giác “kiểm soát” được thị trường, “đọc vị” được thị trường, …
Vâng, nếu như bạn yêu mến công việc này đến thế, tôi cũng xin không có ý kiến gì. Điều tôi muốn nói ở đây là, chúng không phải là sự lựa chọn tốt lắm (ít nhất là với tôi). Hãy luôn nhớ rằng bạn không thể kiểm soát được thị trường, điều bạn cần làm là kiểm soát bản thân mình, cố gắng giữ tâm trí và trạng thái của bạn luôn ở mức “trung tính”. Ngài Thị Trường chẳng bao giờ quan tâm bạn nghĩ gì, bạn cảm thấy ra sao, hay những đồng tiền bạn đưa vào có giá trị và ý nghĩa thế nào với bạn …
Việc suy nghĩ quá nhiều khiến bạn khó đưa ra quyết định giao dịch hơn, hãy có cho mình một kế hoạch đơn giản (nhưng hiệu quả) với những gạch đầu dòng cụ thể, khi những yếu tố cấu thành nên 1 cơ hội kiếm tiền, bạn vào lệnh, ngay sau đó tắt máy tính đi và chờ đến sáng hôm sau mở lên xem diễn biến giá. Hãy giữ mọi việc đơn giản (và tinh tế).
———————————————————
Tôi xin dừng bài viết tại đây, hãy chia sẻ những suy nghĩ, trải nghiệm và kinh nghiệm của bạn nhé.
Chúng ta đều mắc phải rất nhiều những sai lầm trên con đường mò mẫm kiến thức và bản lĩnh, ngay cả sau này với nhiều năm kinh nghiệm, không ai dám nói trước rằng mình sẽ tránh hết được chúng. Hi vọng qua bài viết, bạn sẽ nhìn lại mình và rút kinh nghiệm “sâu sắc” nhằm hướng tới một kết quả giao dịch tốt hơn.
Tôi chúc bạn thành công!
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân hoặc được biên dịch lại,không phải là lời chào mua bán hay lời khuyên đầu tư. Các sản phẩm có đòn bẩy có thể mang lại rủi ro có thể dẫn đến mất tiền của bạn. Xin vui lòng đảm bảo bạn đã hiểu về các rủi ro hoặc tham khảo các tư vấn độc lập.
M.I.P