Tình hình dịch bênh thế giới tính đến ngày 22/9/2020

Ngày: 22/09/2020 lúc 09:35AM

Thế giới ghi nhận gần 968.000 người chết vì nCoV trong hơn 31,4 triệu người nhiễm, dịch dường như đang bùng phát trở lại ở châu Âu.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 31.454.949 ca nhiễm và 968.282 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 238.088 và 3.558 ca sau 24 giờ, trong khi 23.068.624 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.042.569 ca nhiễm và 204.414 người chết, tăng lần lượt 42.376 và 301 ca so với một ngày trước đó. Các quan chức y tế Mỹ chỉ ra rằng nCoV đang chuyển hướng tấn công người trẻ tuổi, khi 23% số ca nhiễm được báo cáo là từ 18 đến 29 tuổi.

Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ có đủ vaccine Covid-19 cho tất cả người dân vào tháng 4/2021, tuy nhiên giới chuyên gia y tế tỏ ra thận trong hơn, cho rằng kịch bản mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn chỉ có thể xảy ra sớm nhất vào giữa năm sau.

Du khách thăm đền Taj Mahal trong ngày đầu mở cửa trở lại hôm 21/9. Ảnh: AFP.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 74.493 ca nhiễm và 1.056 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 5.560.105 và 88.965. Số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

Ấn Độ hôm qua mở cửa trở lại đền Taj Mahal sau 6 tháng ngừng đón khách du lịch. Số người tham quan mỗi ngày được giới hạn ở mức 5.000, so với trung bình 20.000 trước đại dịch. Vé vào đền chỉ được bán online, có khoảng 300 vé được bán ra trong ngày đầu mở cửa. Khách tham quan được kiểm tra thân nhiệt và phải tuân thủ quy định giữ khoảng cách với những người khác.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 377 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 137.272. Số người nhiễm nCoV tăng 13.439 trong 24 giờ qua, lên 4.558.068.

Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Covid-19 tại Brazil gây tổn hại nặng nề đối với một số cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là cư dân tại các khu ổ chuột nghèo khổ và người bản địa trong rừng Amazon. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người hứng chỉ trích vì đánh giá thấp Covid-19, khẳng định thiệt hại kinh tế sẽ tồi tệ hơn đại dịch nếu siết chặt quy định phòng chống virus.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 71 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 19.489. Số ca nhiễm tăng 6.196, lên 1.109.595. Nga nối lại đường bay với Belarus, Kyrgyzstan và Kazakhstan từ ngày 21/9 và với Hàn Quốc từ ngày 27/9.

Bộ Y tế Nga thông báo lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã được đưa vào lưu hành. Viện virus học Vector tại Siberia đã hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn hai đối với vaccine Covid-19 tiềm năng thứ hai của Nga, kết quả dự kiến công bố ngày 30/9. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vaccine thứ hai sẽ sẵn sàng trong tháng 9, bày tỏ hy vọng cả hai loại vaccine của Nga đều an toàn và hiệu quả.

Moskva đang trong các giai đoạn đàm phán khác nhau và đã nhận được yêu cầu cung cấp 1,2 tỷ liều vaccine cho hơn 10 nước ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Đây là một bước tiến có thể mang tới cho Nga đòn bẩy kinh tế và chính trị vô cùng giá trị trên trường quốc tế.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ tám thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 661.936 ca nhiễm và 15.992 ca tử vong, tăng lần lượt 725 và 39. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.

Các hạn chế về di chuyển và kinh doanh đã dần được nới lỏng kể từ tháng 6, nhưng nước này vẫn đóng biên để tránh ca ngoại nhập. Tổng thống Nam Phi thông báo dỡ bỏ hầu hết hạn chế từ 20/9 và sẽ mở biên với hầu hết quốc gia từ 1/10.

Ca nhiễm mới ở Pháp tăng trở lại sau giai đoạn Covid-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 5.298 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 458.061, trong đó 31.338 người chết, tăng 53 trường hợp.

Chính quyền thủ đô kêu gọi người dân tránh tụ tập hơn 10 người, ở nơi công cộng cũng như tại nhà riêng. Thành phố Nice là một trong số các thành phố phải áp đặt hạn chế mới, bao gồm cho phép tụ tập tối đa 10 người trong công viên và trên bãi biển.

Anh, vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, ghi nhận 398.625 ca nhiễm và 41.788 ca tử vong, tăng lần lượt 4.368 và 11 trường hợp. Nước này áp đặt các hạn chế mới với vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Yorkshire từ 15/9. Giới chức đã áp phong tỏa cực bộ với hơn 10 triệu và có thể ban hành thêm hạn chế đối với hàng triệu người khác.

Thủ tướng Johnson thông báo áp dụng mức phạt tiền lên tới 13.000 USD với những người không tự cách ly sau khi tiếp xúc với người dương tính nCoV. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại. Anh trước đó chưa có hình phạt cho những người vi phạm biện pháp tự cách ly, chính phủ cho biết cảnh sát có thể được triển khai để giám sát tuân thủ quy định ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Iran báo cáo 24.478 người chết, tăng 177, tổng số ca nhiễm là 425.481, tăng 3.341. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại nước này đang có xu hướng gia tăng kể từ khi chạm mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng hồi đầu tháng 9. Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi hôm 15/9 cảnh báo về "sự trỗi dậy" của nCoV tại một số vùng của đất nước, do mức độ tuân thủ các biện pháp y tế giảm sút.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 290.190 ca nhiễm và 4.999 ca tử vong, tăng lần lượt 3.475 và 15 ca. Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 14/9 cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga hoặc Trung Quốc cung cấp, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng nước này sẽ "trở lại bình thường" vào tháng 12.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 248.852 ca nhiễm, tăng 4.176 so với hôm trước, trong đó 9.677 người chết, tăng 124 ca. Thủ đô Jakarta đang siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 57.606 người nhiễm, tăng 30, và 27 người chết. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21/9 khẳng định không thay đổi chỉ dẫn về cách ngăn nCoV lây nhiễm sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đăng nhầm cảnh báo lên trang web, trong đó cho rằng virus có thể lây truyền qua khí dung ở khoảng cách trên 2 mét.

Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của WHO, đang liên lạc với CDC và khẳng định dịch bệnh chủ yếu lây qua giọt bắn từ người nhiễm nCoV, nhưng truyền nhiễm qua khí dung có thể xảy ra trong môi trường kín và không được lưu thông không khí. "Dựa trên các bằng chứng, chúng tôi tin rằng có nhiều phương thức lây truyền virus", ông nói.

 

BitForex Support
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục