Microsoft - Tiktok: từ 'đàm phán đầu tư nhỏ' thành mua lại 1 đế chế.

Ngày: 01/09/2020 lúc 11:33AM

Cover_TikTok.jpg

Anh em có thể không biết, nhưng khi Microsoft bắt đầu đàm phán với ByteDance, công ty mẹ của TikTok vào mùa hè vừa rồi, không một ai trông chờ một trong những thương vụ lớn nhất năm 2020 diễn ra.

Giữa lúc căng thẳng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, cộng thêm những phức tạp trong việc quản lý nội dung trên một mạng xã hội, chẳng ai dại gì lại đi mua lại một phần của MXH vừa có quy mô lớn, vừa gây tranh cãi như TikTok đem lại nhiều nguy cơ hơn là lợi ích. Vậy là Microsoft ban đầu chọn giải pháp an toàn, đàm phán mua lại một lượng cổ phần TikTok nhỏ, trở thành nhà đầu tư nhỏ cho ByteDance, theo lời của 4 người từng được chia sẻ thông tin về những buổi họp đầu tiên giữa đại diện Microsoft và ByteDance.

Tinhte_TIktok1.jpg

Ngay cả như thế cũng có thể trở thành tình huống lợi cả đôi đường. Đối với Microsoft, đầu tư nho nhỏ cũng có khả năng đưa TikTok về với đội Azure, nền tảng điện toán đám mây của họ, và biến TikTok trở thành khách hàng lớn nhất của Azure. Từ trước tới giờ TikTok đang sử dụng hệ thống đám mây của Google để vận hành.


Còn đối với TikTok, thương vụ với Microsoft có thể giúp giá trị vốn hóa của họ tăng lên tới 80 tỷ USD. Cùng lúc, TikTok cũng có được sự hậu thuẫn của một ông lớn ngành công nghệ Mỹ, từ đó giúp TikTok tránh được những dòm ngó từ phía chính phủ Mỹ, những người cáo buộc ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc tạo ra nguy cơ an ninh và bảo mật cho người Mỹ.

Tưởng không khó mà thành ra khó không tưởng

Nhưng rồi tổng thống Trump ra tay, và biến thương vụ tưởng chừng vô cùng đơn giản cho cả TikTok lẫn Microsoft trở thành một bộ phim dài tập chưa biết kết thúc thế nào.

Tổng thống Mỹ yêu cầu TikTok Mỹ phải được bán cho một công ty Mỹ, hoặc ngừng vận hành ở lãnh thổ nước này. Và thế là đang từ “đầu tư nhỏ”, giờ ByteDance phải đàm phán để bán lại TikTok Mỹ, Úc, Canada và New Zealand cho nhà đầu tư tiềm năng. Sở dĩ nói nó như một bộ drama dài tập, là vì khi một thương vụ có quá nhiều phe nhúng tay vào, ai cũng sẽ muốn đòi hỏi lợi ích ở mức tối đa, và tìm mọi cách để đạt được thứ họ muốn.

Tinhte_TIktok2.jpg

Hiện giờ bên cạnh Microsoft, Oracle có thể cũng đang nhòm ngó thương vụ mua lại TikTok Mỹ. Thậm chí vài nguồn tin còn lôi cả Netflix và Twitter vào cuộc chơi, bất kể họ có đang quan tâm đến TikTok hay không. Còn ở thời điểm hiện tại, với túi tiền đáy rất sâu, và giá trị vốn hóa 1,6 tỷ USD, Microsoft đang là nhà đầu tư có tiềm năng nhất để mua lại TikTok Mỹ và 3 quốc gia phương Tây khác.

Theo những nguồn tin được cho là trong cuộc, những yêu cầu của cả hai bên đều đang rất căng thẳng, vì ByteDance, TikTok, các nhà đầu tư và cả Microsoft đều đang cố hết sức để biến mình trở thành người có lợi nhất trong thương vụ này. Từ việc bán riêng TikTok Mỹ, cho đến việc bán hết những chi nhánh quốc tế của TikTok, ngoại trừ ứng dụng Douyin (TikTok Trung Quốc) đều đã được đem ra bàn thảo. Mức giá cũng chưa rõ ràng, có thể chỉ 20 tỷ USD, nhưng cũng có thể lên đến 50 tỷ USD theo yêu cầu của ByteDance, và nó phụ thuộc vào việc ByteDance phải bán những mảng nào của TikTok.
Tinhte_TIktok3.png
Ngay cả khi, Microsoft và ByteDance đạt được tiếng nói chung, thì cũng chưa chắc đã xong vì bản thân việc bán TikTok đã trở thành một chủ đề chính trị được đem ra bàn thảo tại những phiên đối thoại giữa quan chức ngoại giao Mỹ và Trung Quốc. Mọi thỏa thuận đều có thể đổ sông đổ bể nếu Bắc Kinh hoặc ông Trump nhảy vào. Tổng thống Mỹ cũng từng nói trực tiếp với CEO Satya Nadella của Microsoft rằng Oracle đủ sức đàm phán để mua lại TikTok Mỹ. Cùng lúc, ngày 6/8, ông cho TikTok thời hạn đến trước ngày 15/9 để bán chi nhánh Mỹ hoặc bị cấm vận hành. Thời điểm này sau đó được dời xuống ngày 12/11.

Sao đang từ vấn đề kinh doanh đã thành vấn đề chính trị rồi?

Hôm thứ 2 vừa rồi, TikTok kiện chính phủ Mỹ, cho rằng sắc lệnh của tổng thống Mỹ tước đoạt quyền sở hữu TikTok chi nhánh Mỹ từ tay ByteDance. Vụ kiện này có thể giúp TikTok có thêm ít thời gian để vận hành MXH này ở Mỹ nếu thẩm phán cho phép, một chiến lược trì hoãn để chờ kỳ bầu cử Mỹ diễn ra vào ngày 3/11.

Giáo sư luật trường Berkeley, California, Steven Davidoff Solomon cho rằng, việc chính phủ Mỹ yêu cầu một tập đoàn quy mô lớn cỡ này phải tự bán một phần của họ là “chưa từng có”. Ông cho biết thêm, “đây là thương vụ bị ép buộc, và ByteDance đang cố hết sức để không phải bán mình với giá rẻ mạt.”

Tinhte_TIktok5.jpg

Quay lại phía bên kia bờ đại dương, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân cũng tuyên bố rằng sắc lệnh của tổng thống Trump là “hành vi bắt nạt trắng trợn”, và đe dọa chính phủ Mỹ sẽ “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Cũng thực sự hiếm khi thấy một thương vụ kinh doanh biến thành vấn đề chính trị và ngoại giao nóng như thế này giữa hai cường quốc, sau vụ Huawei bị Mỹ cấm vận.

Hiện giờ tại Mỹ, có hơn 100 triệu người dùng TikTok thường xuyên, theo số liệu của ByteDance. Hầu hết họ đều là trẻ vị thành niên và người dưới 30 tuổi.

Năm ngoái, khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên xấu đi, chính phủ Mỹ bắt đầu trở nên thận trọng hơn với TikTok và ByteDance. Tháng 11, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ bắt đầu điều tra thương vụ ByteDance mua lại Musical.ly sau khi nhiều nhà lập pháp tỏ ý lo ngại rằng TikTok sẽ cung cấp dữ liệu cá nhân của người Mỹ cho Bắc Kinh. TikTok, cũng giống như Huawei, liên tục bác bỏ những cáo buộc này.

Tinhte_TIktok6.jpg

Để giảm bớt căng thẳng từ phía Mỹ, ByteDance bắt đầu nhờ đến các nhà đầu tư để xin tư vấn, trong đó có Sequoia Capital và General Atlantic. Doug Leone, một trong những đối tác của Sequoia, trở thành cầu nối của Trương Nhất Minh, giám đốc điều hành TikTok, với Nhà Trắng. Trong những cuộc đối thoại giữa Leone và chính phủ Mỹ, tổng thống Trump đưa ra chính xác hai yêu cầu: Một, họ muốn TikTok thay đổi cơ cấu để ByteDance bớt quyền lực kiểm soát MXH này. Thứ hai, họ muốn đảm bảo dữ liệu cá nhân của người Mỹ sẽ được lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu bên trong lãnh thổ Mỹ.

Và để làm được điều đó, ByteDance cần một đối tác công nghệ lớn ở Mỹ để thỏa thuận. Ông Trương cùng các nhà đầu tư cho rằng Facebook, Amazon và Google đang bị nhòm ngó quá nhiều vì vấn đề độc quyền. Nhưng Microsoft, với lượng tiền mặt dự trữ 137 tỷ USD, lợi thế về điện toán đám mây và mối quan hệ thân thiết với chính phủ Mỹ, là lựa chọn có thể nên chuyện.

Tinhte_TIktok7.jpg

Trùng hợp thay, ông Trương cũng từng là một kỹ sư làm việc cho Microsoft. Ông liên hệ với vài quan chức cấp cao của Microsoft để xem xét và đánh giá sự quan tâm của họ. Đến tháng 7, Microsoft ngồi vào bàn đàm phán. Khi ấy, như đã nói ông lớn xứ Redmond chỉ có ý định đầu tư nhỏ vào TikTok. Căng thẳng Mỹ - Trung, và những rắc rối trong việc quản lý MXH khiến Microsoft e dè trong việc đầu tư mạnh tay. Còn với ByteDance và Trương Nhất Minh, điều đó quá ổn vì họ vẫn muốn nắm trong tay quyền quyết định và quyền sở hữu với TikTok.

Microsoft và ByteDance định làm gì tiếp theo?


Nhưng, càng đàm phán, Microsoft càng thấy ý tưởng đầu tư lớn trở nên khả thi. Họ có rất nhiều dữ liệu về hành vi người dùng ở mảng game và phần mềm phục vụ công việc, nhưng hành vi người dùng mạng xã hội thì gần như là con số 0 tròn trĩnh. Mình từng có bài viết về những lợi thế khi Microsoft mua lại TikTok Mỹ: Rốt cuộc Microsoft muốn TikTok để làm gì?

Theo những nguồn tin trong cuộc, giải pháp mua lại TikTok Mỹ từ tay ByteDance về tay Microsoft trở thành lựa chọn ổn thỏa nhất. Microsoft có thể để TikTok chi nhánh Mỹ tự vận hành như một công ty con độc lập với tập đoàn, giống hệt như Mojang hay LinkedIn hiện giờ.

Nhưng cùng lúc, chính quyền tổng thống Trump cũng sẽ để mắt tới thương vụ này. Tháng trước, bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin đã trao đổi với đại diện Microsoft và ByteDance về việc lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng TikTok Mỹ trên máy chủ đặt tại nước Mỹ. Đến ngày 31/7, ông Mnuchin trình văn bản điều tra thương vụ ByteDance và Musical.ly cho tổng thống Trump. Văn bản này đưa ra giải pháp rằng phải ra lệnh cho ByteDance bán TikTok cho đối tác Mỹ, giả dụ Microsoft mua lại phần lớn chi nhánh Mỹ, còn những cổ đông Trung Quốc của ByteDance chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Tinhte_TIktok4.jpg

Nhưng ngày hôm ấy, trên chiếc chuyên cơ Air Force One, tổng thống Mỹ đòi đưa ra quyết định cấm hoàn toàn TikTok. Những chuyên gia và trợ lý cho ngài tổng thống cảm thấy cáu vì những lời khuyên của họ bị bỏ ngoài tai, mà thay vào đó vị tổng thống lại nghe theo những trợ lý diều hâu không ưa gì Trung Quốc như Peter Navarro, giám đốc chính sách thương mại và sản xuất của Nhà Trắng chẳng hạn.

72 giờ đồng hồ tiếp theo thực sự hoảng loạn. Tin tức rò rỉ nói rằng Microsoft đang đàm phán để mua lại TikTok. Giời công nghệ và tài chính xôn xao. Cuối tuần đó, tổng thống Trump gọi cho Satya Nadella, nói ông có 45 ngày để mua lại TikTok Mỹ, bằng không MXH này sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ. Nhưng phía sau cánh cửa, quan chức Microsoft lẫn TikTok đều hoảng sợ. 45 ngày đàm phán đẩy ByteDance vào thế yếu trong quá trình đàm phán đòi quyền lợi.

Kể từ đó, Oracle cũng nhảy vào cuộc chơi.

Tinhte_TIktok8.jpg

Và thế là, ByteDance cũng bị dồn vào chân tường trong thương vụ đàm phán để đòi mức giá tốt nhất cho chi nhánh TikTok Mỹ và 3 quốc gia khác, và sức ép đến không chỉ từ Microsoft hay chính phủ Mỹ, mà còn những đối tác tiềm năng khác. Nhận thấy ByteDance đang yếu thế, nhiều bên khác cũng đang nhòm ngó thương vụ này. Tất cả những điều đó đều có thể khiến Microsoft bị nẫng tay trên khỏi một trong những thương vụ đầy tiềm năng.

Còn đối với ByteDance, họ tuyên bố khi khởi kiện chính phủ Mỹ, rằng “chúng tôi luôn muốn đối thoại với tính xây dựng thay vì kiện tụng.” Nhưng vì sắc lệnh tổng thống Mỹ đưa ra, họ "đơn giản không có lựa chọn nào khác.

Theo The New York Times

BitForex Support
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục