LÙNG SỤC NHỮNG VẤN ĐỀ GAI GÓC NHẤT TRONG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG
Ngày: 22/02/2019 lúc 06:35AM
Nhiều vấn đề “gai góc” nhất dự kiến sẽ được các bên được thảo luận sâu tại vòng đàm phán thương mại mới ở Washington.
Trong hai ngày 21 và 22/2, các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại vòng đàm phán thương mại tại thủ đô Washington, Mỹ, nhằm tiếp tục phác thảo ra bản thỏa thuận cuối cùng, để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã kéo dài suốt 7 tháng qua. Nhiều vấn đề “gai góc” nhất dự kiến sẽ được các bên được thảo luận sâu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước ngày 1-3-2019, thời hạn chót trước khi tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ảnh: CNN.
Một danh sách gồm 10 hạng mục bàn cách Trung Quốc có thể giảm thặng dư thương mại với Mỹ trong khoảng thời gian “ngắn hạn” cũng đang được 2 bên xem xét.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn thân cận với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung cho biết, trở lại Washington lần này, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận những vấn đề khó nhất trong bất đồng thương mại giữa hai nước, với 6 bản ghi nhớ đang được phác thảo một cách chi tiết. Bao gồm các vấn đề: chuyển giao công nghệ ép buộc, tội phạm mạng, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và hàng rào phi thuế quan thương mại.
Theo nguồn tin, tại lần đàm phán gần nhất ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, các quan chức cấp cao hàng đầu về thương mại của 2 nước đã trao đổi các văn bản ghi nhớ này để nghiên cứu, trước khi bắt đầu trở lại vòng đàm phán lần này.
Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn liên quan đến các yêu cầu của Mỹ đối với việc thay đổi cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc. Washington đã cáo buộc Bắc Kinh gây sức ép cho các công ty Mỹ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc phải chia sẻ công nghệ và trao các bí mật sở hữu trí tuệ của họ với các đối tác nước này. Thêm vào đó, phía Mỹ cũng đã phản đối hàng rào phi thuế quan ở Trung Quốc, bao gồm trợ cấp công nghiệp, thủ tục cấp phép kinh doanh, đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm... coi đây là hành động thương mại không công bằng.
GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS
Liên quan đến vấn đề tiền tệ, các quan chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài Steven Mnuchin đã cảnh báo Trung Quốc chống phá giá đồng nhân dân tệ để có được lợi thế cạnh tranh, sau khi đồng tiền Trung Quốc suy yếu đáng kể so với đồng USD vào năm 2018, một phần là để chống lại các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hiện hai bên cũng đang xem xét 1 bản danh sách gồm 10 mục về cách Trung Quốc có thể giảm thặng dư thương mại với Mỹ, trong ngắn hạn, bao gồm hoạt động mua nông sản, năng lượng, chất bán dẫn…
Nhận định về tiến trình đàm phán thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết, hai bên đang nỗ lực tiến gần đến một thỏa thuận thực sự: “Đó là những vòng đàm phán phức tạp, nhưng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Chúng ta có ý định tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tất nhiên, Trung Quốc không muốn điều này. Vì vậy tôi nghĩ các nhà đàm phán Trung Quốc đang muốn đẩy nhanh tiến độ đối thoại để ngăn điều đó. Chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi chỉ có thể nói rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra rất, rất tốt”.
Tổng thống Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại tháng trước giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm và ông không có gì ngạc nhiên với kết quả tích cực này. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn có khả năng kết thúc trong thất bại.