Thị trường hàng hóa sáng 8/1/2021: Dầu cao nhất trong 11 tháng

Ngày: 08/01/2021 lúc 09:19AM

Dầu tăng lên mức cao nhất 11 tháng

Giá dầu tăng, đạt mức cao nhất 11 tháng do các thị trường vẫn tập trung vào cam kết bất ngờ giảm sâu sản lượng dầu của Saudi Arabia và chứng khoán tăng, không bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị ở Mỹ.

Chốt phiên 7/1, dầu Brent tăng 8 US cent lên 54,38 USD/thùng sau khi chạm 54,9 USD, cao nhất kể từ trước đợt phong tỏa Covid-19 lần đầu tiên ở phương Tây. Dầu thô WTI tăng 20 US cent lên 50,83 USD/thùng sau khi đạt 51,28 USD/thùng.

Trong tuần này giá dầu được hỗ trợ bởi cam kết cắt giảm thêm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3 của Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Chứng khoán toàn cầu tăng do các nhà đầu tư tin tưởng Tổng thống đắc cử Joe Biden của Đảng Dân chủ sẽ được chi tiêu tự do hơn sau khi Đảng này kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.

Vàng trái chiều

Giá vàng giảm bị áp lực bởi USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng, mặc dù triển vọng kích thích tài chính hơn nữa dưới chính quyền Đảng dân chủ đã hạn chế đà giảm.

Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.913,87 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 đóng cửa tăng 0,3% lên 1.913,6 USD.

Giá đã giảm khoảng 2,5% sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 9/11 trong ngày 6/1, do lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng hơn 1% lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.

Chỉ số USD phục hồi từ mức thấp nhiều năm, khiến vàng không hấp dẫn với những người đầu tư sử dụng đồng tiền khác.

Một chiến thắng của Đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu của Thượng viện Mỹ đã đặt ra kỳ vọng lạm phát khi các nhà đầu tư nâng đặt cược thêm kích thích tài chính, trong khi Quốc hội Mỹ đã xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Binden.

Đồng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013

Giá đồng đạt mức cao nhất kể từ năm 2013 ngày thứ 3 liên tiếp, bởi dự đoán chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi Đảng của ông giành quyền kiểm soát Thượng viện.

Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,5% lên 8.160 USD/tấn, sau khi chạm 8.182 USD, cao nhất kể từ tháng 2/2013, tiếp theo mức đỉnh trong hai phiên trước đó.

Giá nickel LME đạt cao nhất kể từ tháng 9/2019 tại 18.060 USD/tấn, tăng 1,6% sau khi giá thép không gỉ tại Trung Quốc tăng vọt 5% và tồn kho tại quốc gia này giảm. Nickel chủ yếu sử dụng để sản xuất thép không gỉ.

Giá thép không gỉ Trung Quốc tăng vọt

Giá thép không gỉ của Trung Quốc tăng tới 5% do chi phí nickel, nguyên liệu sản xuất thép không gỉ tăng và nguồn cung khan hiếm.

Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 3 tại sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên 14.725 CNY (2.280,72 USD)/tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 10/2020.

Theo báo cáo của công ty tư vấn Mysteel, chi phí luyện gang nickel, nguyên liệu để sản xuất thép không gỉ vấn cao vì nhiều nhà máy luyện của Trung Quốc đang sử dụng quặng nickel giá cao được mua gần đây.

Giá thép không gỉ có thể vẫn mạnh ở thời điểm hiện nay, với nguồn cung trong ngắn hạn trên thị trường giao ngay đang bổ sung hỗ trợ.

Giá quặng sắt cũng tăng, hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 3,1% lên 1.062,50 CNY/tấn.

Quặng sắt giao tháng 2 tại Singapore tăng 1,2% lên 167 USD/tấn.

Quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc ổn định tại 168 USD/tấn trong ngày 6/1, theo công ty tư vấn SteelHome.

Thép thanh dùng trong xây dựng tại Thượng Hải tăng 1,7%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,9%.

Cao su tăng

Giá cao su Nhật Bản đóng cửa ở mức cao nhất trong gần 3 tuần, không quan tâm tới kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo do số co nhiễm Covid-19 tăng.

Hợp đồng cao su giao tháng 6 trên sàn giao dịch Osaka tăng 7 JPY hay 2,9% đóng cửa tại 245 JPY (2,37 USD)/kg sau khi giảm trong đầu phiên bởi chính phủ khẳng định kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp.

Hợp đồng cao su tại Thượng Hải giao tháng 5 đóng cửa tăng 3,5% lên 14.875 CNY (2.304 USD)/tấn.

Đường thoái lui sau khi đạt đỉnh 3,5 năm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 0,65 US cent hay 4% xuống 15,6 US cent, sau khi tăng lên 16,33 US cent, cao nhất kể từ tháng 5/2017.

Giá đường tăng trong năm nay bởi các quỹ mua vào mạnh, các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu và lạc quan về các mặt hàng nông sản, đặc biệt những mặt hàng nguồn cung cấp khan hiếm.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng giá đường giảm trong phiên qua là cơ hội để mua vào, ngoài ra các nhà sản xuất thận trọng bán ra.

Nguồn cung đường dự kiến vẫn khan hiếm ít nhất tới tháng 4, khi sản lượng tại Brazil có thể bắt đầu tăng trở lại.

Đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 10,6 USD hay 2,4% xuống 432,8 USD/tấn.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,2 US cent lên 121,1 US cent.

Dự trữ cà phê của sản giao dịch đang tăng và đồng real của Brazil suy yếu đang gây áp lực cho cà phê.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 giảm 20 USD hay 1,5% xuống 1.336 USD/tấn.

Tại Việt Nam giao dịch trầm lắng do nhu cầu yếu. Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở giá 32.200 – 32.600 đồng/kg, phù hợp với giá tại London, và một tuần trước giá là 33.200 đồng.

Một thương nhân tại Tây Nguyên cho biết nhu cầu hiện nay là rất yếu chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt trong vận chuyển, trong khi các nguồn cung cấp đang tăng từ vụ thu hoạch hiện tại. Giá là quá thấp nên nông dân chỉ bán đủ để trang trải nhu cầu hàng ngày. Nông dân sẽ bán thêm trong vài tuần tới khi họ cần tiền mặt trước Tết nguyên đán.

Các thương nhân chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 90 – 100 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3 tại London, giảm từ mức cộng 135 – 145 USD trong tuần trước.

Tại Indonesia, cà phê Sumatra được chào bán ở mức cộng 230 – 275 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3 và mức cộng 270 – 280 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 4. Giá tăng để bù cho đồng rupiah đã mạnh hơn trong tuần này.

Trong khi đó, dự trữ vẫn khan hiếm do các nhà xuất khẩu đợi vụ thu hoạch tới. Tỉnh Lampung đã xuất khẩu 15.300 tấn robusta trong tháng 12/2020, giảm 11% so với cùng tháng năm trước đó.

Giá gạo Ấn Độ tăng, gạo Thái tăng gây lo lắng về sự cạnh tranh

Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ tăng trong tuần này do đồng rupee mạnh và nhu cầu tăng từ các quốc gia đối thủ, trong khi giá tại Thái Lan ngày càng tăng làm dấy lên lo lắng về tính cạnh tranh với các đối thủ Châu Á khác.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở giá 383 – 390 USD/tấn trong tuần này, tăng từ 381 – 387 USD/tấn. Đồng rupee của Ấn Độ tăng lên mức cao nhất 4 tháng trong tuần này, làm giảm lợi nhuận của thương nhân khi xuất khẩu gạo ra nước ngoài.

Bangladesh đã chấp thuận mua 150.000 tấn gạo từ công ty nhà nước Ấn Độ NAFED.

Việt Nam cũng bắt đầu mua gạo từ Ấn Độ lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ sau khi giá trong nước tăng vọt lên mức cao nhất trong 9 năm.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước ở mức 500 – 505 USD/tấn.

Thương nhân tại tỉnh An Giang cho biết giao dịch rất ít vì nguồn cung trong nước thấp, ngoài ra người mua đang đợi thu hoạch vụ lúa lớn nhất trong năm.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 515 – 520 USD/tấn trong tuần này so với 510 – 516 USD/tấn một tuần trước. Nhu cầu gạo Thái Lan không tăng mạnh do đồng baht mạnh, khiến giá xuất khẩu cao hơn so với giá chào bán của Việt Nam và Ấn Độ.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân hoặc được biên dịch lại,không phải là lời chào mua bán hay lời khuyên đầu tư. Các sản phẩm có đòn bẩy có thể mang lại rủi ro có thể dẫn đến mất tiền của bạn. Xin vui lòng đảm bảo bạn đã hiểu về các rủi ro hoặc tham khảo các tư vấn độc lập.

BitForex Support
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục