Ẩu đả tại biên giới Ấn - Trung

Ngày: 03/09/2020 lúc 11:47AM

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã ẩu đả suốt ba tiếng tại khu vực tranh chấp ở Ladakh cuối tuần trước, nguồn tin cảnh sát Ấn Độ cho hay.

Khoảng 500 binh sĩ Trung Quốc tối 29/8 tìm cách tiến vào thung lũng hẹp Spanggur, gần làng Chushul ở đông Ladakh, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), nguồn tin cảnh sát Ấn Độ ngày 31/8 nói với Telegraph. Quân đội Ấn Độ đã triển khai lực lượng ứng phó và cuộc ẩu đả nổ ra suốt ba tiếng giữa hai bên.

Quan chức cảnh sát này cho hay lính Ấn Độ đã đẩy lùi lực lượng Trung Quốc qua LAC sau cuộc đụng độ. Một tiểu đoàn đặc nhiệm Ấn Độ ngày 30/8 nhận lệnh trả đũa và chiếm một doanh trại của Trung Quốc trên ngọn đồi quanh hồ Pangong Tso vào sáng hôm sau, nguồn tin giấu tên nói.

Nguồn tin này không cho biết chi tiết về vụ đụng độ và không tiết lộ liệu hai bên có chịu thương vong hay không.

Chính phủ Ấn Độ ngày 31/8 cáo buộc Trung Quốc triển khai "các hoạt động quân sự khiêu khích" ba tháng sau khi "quân đội Trung Quốc sáp nhập 60 km2 lãnh thổ Ấn Độ ở Ladakh".

Binh sĩ Ấn Độ (quân phục xanh đậm) và Trung Quốc (quân phục nâu vàng) diễn tập cứu hộ cứu nạn ở vùng Chushui-Moldo, khu vực Ládakh, tháng 2/2016. Ảnh: PTI.

Tuy nhiên trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận cáo buộc quân đội nước này vượt qua LAC, biên giới thực tế giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Trung Quốc tuyên bố lục quân Ấn Độ đang chiếm đóng lãnh thổ của họ.

"Động thái của Ấn Độ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực biên giới Trung - Ấn. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ điều này", đại tá Trương Thủy Lợi, phát ngôn viên Bộ tư lệnh Chiến khu phía Tây của Trung Quốc, nói.

"Chúng tôi chính thức yêu cầu phía Ấn Độ rút ngay số binh sĩ vượt biên trái phép, kiểm soát chặt chẽ và kiềm chế binh sĩ tiền tuyến, nghiêm túc tuân thủ các cam kết của mình và tránh để tình hình leo thang", đại tá Trương nói.

Nguồn tin thuộc cảnh sát Ấn Độ cảnh báo tình hình biên giới với Trung Quốc có khả năng leo thang sau khi binh sĩ Ấn Độ "mở mặt trận mới" và đẩy lùi lính Trung Quốc để tiến vào khu vực gần làng Chushul.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết các chỉ huy của hai bên đã gặp nhau dọc biên giới hôm 31/8 nhằm giải quyết tranh chấp. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng nhắc lại cam kết đối thoại của nước này nhưng cảnh báo "kiên quyết không kém trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình".

"Chúng tôi chưa bao giờ gặp vấn đề nào ở nơi này, chúng tôi kiểm soát khu vực rất chặt chẽ", cựu trung tướng lục quân Ấn Độ Deependra Singh Hooda nói. "Sau khoảng thời gian tương đối yên ổn, Trung Quốc bất ngờ mở mặt trận hoàn toàn mới. Đó là hành động khiêu khích quy mô lớn".

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cảnh báo căng thẳng với Trung Quốc đang ở mức cao nhất từ khi hai nước đồng ý ngừng bắn sau Chiến tranh Ấn - Trung năm 1962, khiến hàng nghìn binh sĩ thương vong.

Vị trí các khu vực xảy ra tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đồ họa: Telegraph.

Tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay đăng bài xã luận rằng chính Ấn Độ là bên khiêu khích trước. "Ấn Độ nói rằng họ đã ngăn chặn hoạt động quân sự của Trung Quốc. Từ 'ngăn chặn' cho thấy lính Ấn Độ thực hiện hành vi tiêu cực trước và họ bắt đầu căng thẳng lần này", Global Times viết.

Global Times cảnh báo Ấn Độ sẽ phải đối mặt với "một Trung Quốc hùng mạnh" và lực lượng quân đội "đủ để bảo vệ từng tấc đất", đồng thời cho rằng New Delhi "không nên ảo tưởng" vào sự hỗ trợ của Washington. "Nếu Ấn Độ muốn tấn công quân sự, quân đội Trung Quốc nhất định sẽ khiến họ chịu tổn thất nặng nề hơn nhiều so với năm 1962".

Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ ẩu đả hôm 15/6 tại Thung lũng Galwan, nằm giữa Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát và Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. Đây là vụ đụng độ chết người đầu tiên dọc theo LAC trong ít nhất 45 năm qua, binh sĩ Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng gậy sắt hàn đinh tấn công lính Ấn Độ.

Binh sĩ Ấn - Trung nhiều lần ẩu đả tại khu vực biên giới trong những năm qua song không sử dụng vũ khí hoặc nổ súng. Sau vụ đụng độ, quan chức quốc phòng Ấn Độ và Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt tình hình biên giới, tránh làm nổ ra xung đột.

Tuy nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc được cho vẫn triển khai nhiều khí tài lên khu vực biên giới như tiêm kích, trực thăng quân sự, radar cảnh giới, tên lửa phòng không vác vai và các hệ thống phòng không khác. Cả hai nước đều không bình luận về thông tin trên.

 

BitForex Support
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục