EU - Anh tiếp tục vòng đàm phán tìm thỏa thuận Brexit

Ngày: 04/06/2020 lúc 09:14AM

Ngày 31 tháng Giêng 2020 nước Anh đã chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm, Bruxelles và Luân Đôn vẫn cố gắng tiếp tục thương lượng để tránh việc Anh rời Liên Âu không thỏa thuận, với hệ quả là các thiệt hại rất lớn cho đôi bên.

Theo các nhà quan sát, bất chấp nhiều nỗ lực, hai bên rất khó đạt thỏa hiệp. Trong đợt đàm phán vào hôm qua tức 3/6, hồ sơ đánh cá chung được nêu lên như một cơ hội cho phép Liên Âu và Anh tìm được một thỏa hiệp đáng kể.

Hãng tin Anh Reuters hôm qua cho hay, theo một số nguồn tin châu Âu hồi tuần trước, Liên Hiệp Châu Âu sẵn sàng xét lại lập trường về đánh cá của mình, và đây được coi là « một nhân nhượng đầu tiên với Luân Đôn ». Tuy nhiên, lãnh đạo đàm phán châu Âu Michel Barnier tỏ ra không tin tưởng các đàm phán tuần này đạt được một tiến bộ đáng kể nào.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet giải thích về tình trạng bế tắc và không khí đầy nghi kỵ trong đàm phán hiện nay:

 Thủ tướng Anh đã báo trước sẽ trực tiếp tham gia vào tiến trình thương lượng tháng này, tuy nhiên, phía châu Âu thì dường như không mấy lạc quan về triển vọng đàm phán sẽ mang lại các kết quả thực sự. Dù sao, Bruxelles cũng chấp nhận sẽ tiếp tục thăm dò một số nội dung đàm phán mới trong hồ sơ đánh giá chung đầy gai góc. Điều này có vẻ như cho thấy chiến lược của Luân Đôn là có lý.

Tuy nhiên, đối với lãnh đạo đàm phán phía châu Âu, ông Michel Barnier, các thương lượng tuần này sẽ cho thấy Anh quốc có thực sự muốn rời khỏi thị trường nội địa châu Âu và liên minh thuế quan hay không. Đây có thể coi là một dạng gần như tối hậu thư gửi đến Luân Đôn, trong bối cảnh các nhà thương thuyết Anh tỏ rõ thái độ hết sức cứng rắn.

Cụ thể là, phía Anh đòi hỏi Liên Âu phải có bảo đảm để trung tâm tài chính Anh City Luân Đôn, có điều kiện dễ dàng thâm nhập  thị trường tài chính châu Âu. Đòi hỏi này về thực chất khiến đàm phán dấn sâu vào ngõ cụt.

Về phía châu Âu, có một quan niệm phổ biến sau đây về thủ tướng Anh. Đó là thủ tướng Boris Johnson không hề có ý định chấp nhận một thỏa thuận nào khiến chủ quyền của nước Anh bị sói mòn, dù chỉ một ly.

Và theo quan điểm này, thì các thiệt hại kinh tế do đại dịch virus corona gây ra có thể được dùng như một cơ hội để che lấp đi các thiệt hại về kinh tế do việc chia tay với Liên Âu không thỏa thuận.

Điều này sẽ cho phép thủ tướng Boris Johson khoác lên mình một cách an toàn vầng hào quang của người được coi là đã cứu nước Anh thoát khỏi ách thống trị của Bruxelles.

Theo Reuters

BitForex Support
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục