Một năm Trung Quốc suy giảm hình ảnh vì Covid-19

Ngày: 27/12/2020 lúc 17:14PM

Công chúng ở nhiều nước tăng ác cảm với Trung Quốc trong năm qua, phần nhiều do chính sách "ngoại giao chiến lang" và các nỗ lực hỗ trợ chống Covid-19 phản tác dụng.

Một năm kể từ khi những ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc gần như đã kiềm chế được đại dịch trong khi tình hình vẫn nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới. Thoát khỏi đại dịch mà bị tổn thương ít nặng nề hơn nhiều nước, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi, với mức tăng trưởng GDP 4,9% trong quý thứ ba.

Cuối tháng 10, đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc hội nghị trung ương lần thứ năm với thông cáo phiên bế mạc rằng Trung Quốc "chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trên con đường phía trước", đồng thời cảnh báo về môi trường quốc tế "ngày càng phức tạp".

Nhân viên y tế ở khu chăm sóc tích cực tại Vũ Hán hồi tháng 2/2020. Ảnh: Reuters.

Trong năm qua, Trung Quốc vướng vào căng thẳng với Mỹ trong nhiều lĩnh vực, từ tiếp cận thị trường đến sở hữu trí tuệ, an ninh và nhân quyền. Hình ảnh của Trung Quốc cũng xấu đi trong mắt công chúng ở các nước phát triển, trong bối cảnh Bắc Kinh bị chỉ trích về cách xử lý ban đầu Covid-19, theo một cuộc khảo sát với 14.276 người ở 14 quốc gia của Trung tâm Nghiên cứu Pew được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8 và công bố vào đầu tháng 10.

"Ác cảm với Trung Quốc đã tăng vọt trong năm qua", trung tâm cho biết. "Ngày nay, đa số người dân ở các quốc gia được khảo sát đều có ác cảm với Trung Quốc. Ở Australia, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Mỹ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Canada, ác cảm cao đỉnh điểm kể từ khi trung tâm bắt đầu khảo sát về chủ đề này hơn một thập kỷ trước".

Những bước đi sai lầm ban đầu của Trung Quốc, như chậm trễ công bố thông tin, đã góp phần dẫn đến cái nhìn thiếu thiện cảm này. Tuy nhiên, cách tiếp cận quyết liệt của Trung Quốc trong những cuộc đấu khẩu với chính quyền Trump mới là yếu tố gây mất thiện cảm lớn nhất, các nhà phân tích quan hệ chính trị và đối ngoại nói.

Các ca Covid-19 bắt đầu được ghi nhận ở Vũ Hán vào đầu tháng 12 năm ngoái. Mặc dù các ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, Trung Quốc không xác nhận virus lây từ người sang người cho đến ngày 20/1. Trong thời gian đó, cập nhật hàng ngày của cơ quan y tế địa phương về "bệnh viêm phổi do virus không rõ nguyên nhân" đã bị dừng trong hơn 10 ngày do Hồ Bắc và Vũ Hán tổ chức các cuộc họp chính trị thường niên.

Bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị cảnh sát địa phương khiển trách vì chia sẻ thông tin về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh với bạn bè trên ứng dụng nhắn tin. Lý, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã qua đời vào tháng hai ở tuổi 34 sau khi nhiễm nCoV. Cái chết của anh làm dấy lên làn sóng đau buồn và tức giận.

"Sự thiếu minh bạch đã làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc", Huang Yanzhong, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức tư vấn tại New York, nói. "Tuy nhiên, toàn thế giới ban đầu nhìn chung thông cảm, hoặc ít nhất là trung lập, đối với Trung Quốc. Hầu hết quốc gia sẵn sàng giúp đỡ Trung Quốc, cho đến khi các thuyết âm mưu xuất hiện sau tháng hai và Bắc Kinh phản ứng kịch liệt trước những lời chỉ trích từ Washington, dẫn đến chính trị hóa Covid-19 ".

Dù không đưa ra bằng chứng, Trump cho rằng nCoV đã bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán, một cơ sở an toàn sinh học cấp 4 được phép xử lý các loại virus nguy hiểm nhất thế giới. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Ngoại trưởng Mike Pompeo, người đã công khai ủng hộ và thúc đẩy các tuyên bố của Trump, là "phát tán virus chính trị".

Sử dụng chiến thuật "ăn miếng trả miếng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng Twitter vào tháng ba: "Có thể chính quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán. Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích".

Đáp lại, Trump gọi nCoV là virus Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước và làm dấy lên làn sóng bài ngoại ở Mỹ và các nơi khác.

Kể từ đó, Trung Quốc đã tích cực phản ứng trong "trò chơi đổ lỗi", ca ngợi những thành tựu kinh tế của họ sau suy thoái và quảng bá về sự hào phóng của Trung Quốc trên toàn cầu khi hỗ trợ các nước thiết bị y tế.

Chen Daoyin, nhà khoa học chính trị độc lập là cựu giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, nói: "Việc mầm bệnh có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không không quan trọng. Không ai nghĩ xấu cho một quốc gia chỉ vì loại virus chết người mới bùng phát từ đó. Nhưng tính toán đằng sau các chiêu trò truyền thông đã gây ra ác cảm".

"Sự tự kiêu khi đóng vai cứu tinh và là nền kinh tế lớn duy nhất không bị tổn hại bởi đại dịch, cùng các chiến thuật đẩy trách nhiệm cho bên khác không phải là những điều một quốc gia có trách nhiệm nên làm", Chen nói.

Trung Quốc đã điều các nhóm chuyên gia y tế đến 34 quốc gia, cung cấp vật tư y tế cho 150 quốc gia và 9 tổ chức quốc tế. Họ cũng tham gia vào nỗ lực toàn cầu Covax Facility, cam kết phân phối vaccine Covid-19 cho các nước nghèo hơn, trong khi Mỹ không tham gia cơ chế này.

Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ và hàng hóa từ Trung Quốc không được hoan nghênh rộng rãi. Các quốc gia gồm Mỹ, Tây Ban Nha, Brazil và Philippines đã phàn nàn về "sản phẩm kém chất lượng" được sản xuất tại Trung Quốc. Nỗ lực tuyên truyền của Bắc Kinh bị truyền thông nước ngoài coi là quá nhiều và quá "hăm hở", khiến họ bị cáo buộc là hỗ trợ vì mục đích địa chính trị.

Bình luận của Trump có một số ảnh hưởng đến việc định hình dư luận, đặc biệt là với những người theo dõi ông. Mặc dù thất bại trước Tổng thống đắc cử Joe Biden, Trump vẫn nhận được hơn 74 triệu phiếu phổ thông trong bầu cử tổng thống Mỹ và cũng có nhiều người ủng hộ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, không nên phóng đại ảnh hưởng của Trump vì công chúng thường không hoàn toàn tin tưởng những gì Trump nói, theo Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS ở London.

Theo Sourabh Gupta, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung ở Washington, truyền thông phương Tây chính là bên có khả năng lớn trong việc định hình dư luận toàn cầu.

Mỹ - Trung đã lâm vào một cuộc chiến truyền thông. Một bài báo của Wall Street Journal hồi tháng hai có dòng tít gọi Trung Quốc là "Gã ốm của châu Á", khiến Bắc Kinh giận dữ trục xuất ba phóng viên của Wall Street Journal khỏi Trung Quốc. Sự việc leo thang thành khủng hoảng ngoại giao, với cảnh báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng tờ báo "phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã nói và làm".

Trong khi Trung Quốc coi hành động của mình là bảo vệ phẩm giá quốc gia, các nước phương Tây coi đây là xâm phạm quyền tự do ngôn luận. "Mỹ có quyền lực mềm lớn, trong đó có việc định hình dư luận", Gupta nói.

"Rõ ràng việc gắn cho nCoV cái mác 'virus Trung Quốc' chứa đựng thành kiến và khiến nhiều người ở nhiều quốc gia khác khó chịu. Nhưng việc gọi chiến lược ngoại giao của Trung Quốc là "ngoại giao chiến lang" đã tóm gọn toàn bộ chiều hướng ứng xử của Bộ Ngoại giao Trung Quốc một cách tương đối công bằng, trung lập và chính xác", Gupta nói. "Và vì vậy, nó in sâu vào tâm trí của mọi người và định hình quan điểm của mọi người", ông nói.

"Ngoại giao chiến lang" là chính sách đối ngoại mới dưới thời ông Tập, trong đó các nhà ngoại giao đưa ra những tuyên bố cứng rắn, quyết liệt, sẵn sàng công kích các nước khác để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, trái ngược với phong cách ôn hòa, tránh tranh cãi trước đây. Thuật ngữ này được đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng Trung Quốc, trong đó binh sĩ nước này thực hiện hàng loạt chiến dịch táo bạo trên toàn cầu để bảo vệ công dân và lợi ích quốc gia.

Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên lên tiếng bảo vệ "ngoại giao chiến lang". Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành nói trong một diễn đàn ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc chưa bao giờ khiêu khích.

"Có người can thiệp vào công việc của chúng tôi, liên tục chỉ trích và làm mất uy tín của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không còn cách nào khác. Chúng tôi phải tự vệ vì lợi ích và phẩm giá của quốc gia".

Việc gắn nhãn "ngoại giao chiến lang" tạo ra một "cái bẫy ngôn luận", ông Lạc nói. "Mục đích là khiến chúng tôi từ bỏ việc phản bác. Chúng tôi không thể làm vậy".

Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh sẽ không "làm một con cừu im lặng", đồng thời so sánh các nhà ngoại giao Trung Quốc với "chú sư tử nhỏ dễ thương của Disney, dù bị nhiều nhân vật nghi ngờ về khả năng, đã lớn lên và trưởng thành thành Simba".

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa cho biết vào tháng 4 rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đã làm việc tích cực, không gây hấn hay quá đáng, để đáp lại những cáo buộc và công kích vô căn cứ của truyền thông nước ngoài. Ông nói các nhà ngoại giao phải lên tiếng vì truyền thông Trung Quốc không định hình được dư luận quốc tế.

Yun Sun, chuyên gia tại Trung tâm Stimson, tổ chức tư vấn ở Washington, nói rằng Trung Quốc đang tự dồn mình vào chân tường. "Mặc dù tôi hiểu họ cảm thấy cần phải làm vậy, một cường quốc cần có khả năng giữ bình tĩnh, phản ứng tương xứng, chọn lựa kỹ khi nào cần đối đầu", Sun nói.

Các nước đang phát triển có thể có cái nhìn khác về Trung Quốc. Bắc Kinh đã chi nhiều tiền ở nước này và cố gắng liên minh với họ để tránh bị phương Tây cô lập, Sun nói. "Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề nảy sinh với những nước này, như những lời phàn nàn về nợ của châu Phi, căng thẳng với Brazil. Quan điểm về Trung Quốc của các nước đang phát triển có thể tốt hơn các nước phát triển. Nhưng có vẻ nó cũng không cải thiện so với một năm trước đây".

Các nhà phân tích cho rằng để cải thiện hình ảnh quốc tế, Trung Quốc nên đóng vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và minh bạch.

Steve Tsang đánh giá Trung Quốc nên hỗ trợ cuộc điều tra tìm nguồn gốc đại dịch. Trong khi đó, Gupta bình luận Trung Quốc cần tiết chế tuyên truyền đất nước với quốc tế.

Ông cho rằng về cơ bản Trung Quốc đang ở giai đoạn có thể đóng góp to lớn cho sự thịnh vượng toàn cầu trên nhiều lĩnh vực, nhưng Trung Quốc không nên cố gắng quảng bá hay khoe quá mức vì làm vậy có thể phản tác dụng.

"Những lời có cánh về Trung Quốc nên xuất phát từ những bên thật sự được hưởng lợi từ hành động tốt của Trung Quốc", Gupta. "Đi đường tắt để làm đẹp hình ảnh có thể là 'chơi với lửa".

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân hoặc được biên dịch lại,không phải là lời chào mua bán hay lời khuyên đầu tư. Các sản phẩm có đòn bẩy có thể mang lại rủi ro có thể dẫn đến mất tiền của bạn. Xin vui lòng đảm bảo bạn đã hiểu về các rủi ro hoặc tham khảo các tư vấn độc lập.

BitForex Support
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục