Tổng quan thị trường hàng hóa sáng ngày 2/9.
Ngày: 02/09/2020 lúc 08:53AM
Hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 8/2020 tăng cao nhất hơn 1,5 năm và hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong gần 1 thập kỷ, dấy lên kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch, thúc đẩy giá hàng hóa đồng loạt tăng nhưng kéo vàng giảm. Chốt phiên giao dịch ngày 1/9, giá dầu, quặng sắt, thép cây, đậu tương và ngô đồng loạt tăng, đồng cao nhất 2 năm, cao su cao nhất 7 tháng, cà phê vẫn cao nhất 8 tháng, lúa mì cao nhất 5 tháng.
Giá dầu tăng trở lại
Giá dầu tăng do số liệu hoạt động sản xuất của Mỹ tốt hơn so với dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng nền kinh tế hồi phục sau đại dịch và các nhà phân tích dự báo tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ 6 liên tiếp.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/9, dầu thô Brent tăng 30 US cent lên 45,58 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 15 US cent lên 42,76 USD/thùng.
Giá dầu tăng nhẹ sau khi Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết, tồn trữ dầu thô Mỹ trong tuần gần nhất giảm nhiều hơn so với dự kiến. Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước dự báo giảm gần 2 triệu thùng và tồn trữ trong tuần giảm 6,36 triệu thùng.
Đồng thời, hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 8/2020 tăng lên mức cao nhất hơn 1,5 năm, trong bối cảnh các đơn đặt hàng mới tăng. Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết, chỉ số hoạt động nhà máy của quốc gia tăng lên 56 trong tháng 8/2020 từ mức 54,2 trong tháng 7/2020. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2019 và tăng 3 tháng liên tiếp.
Ngoài ra, số liệu sản xuất của Trung Quốc tăng mạnh cũng nâng đỡ giá dầu, Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc OANDA cho biết. Chỉ số Quản lý Sức mua (PMI) của Caixin/Markit cho thấy rằng, hoạt động nhà máy của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong gần 1 thập kỷ trong tháng 8/2020, được thúc đẩy bởi các đơn hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong năm nay.
Giá khí tự nhiên giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm do dự báo thời tiết mát hơn và nhu cầu điều hòa giảm, trong khi xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng giảm bởi những cơn bão mới đây cũng gây áp lực giá.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn New York giảm 10,3 US cent tương đương 3,9% xuống 2,527 USD/mmBTU.
Nhu cầu khí tự nhiên tại 48 bang dự kiến sẽ giảm do thời tiết mát hơn, giảm từ 85,3 tỉ feet khối (bcfd) trong tuần này xuống 83,3 bcfd trong tuần tới, Refinitiv cho biết.
Giá vàng giảm, bạc cao nhất 3 tuần
Giá vàng giảm từ mức cao nhất gần 2 tuần, do đồng USD hồi phục và số liệu sản xuất của Mỹ tốt hơn so với dự kiến, dấy lên kỳ vọng nền kinh tế Mỹ hồi phục.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA duy trì vững ở mức 1.970,55 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất (1.991,91 USD/ounce) kể từ ngày 19/8/2020. Vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York không thay đổi ở mức 1.978,9 USD/ounce.
Đồng USD tăng 0,2% so với giỏ đồng tiền chủ chốt, hồi phục từ mức thấp nhất hơn 2 tuần trong đầu phiên giao dịch.
Giá vàng chịu áp lực giảm do thị trường chứng khoán toàn cầu tăng sau số liệu hoạt động sản xuất của Mỹ tăng lên mức cao nhất gần 2 năm trong tháng 8/2020, Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết.
Trong khi đó, giá bạc tăng 0,2% lên 28,27 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 11/8/2020.
Giá đồng cao nhất 2 năm
Giá đồng tăng lên mức cao nhất 2 năm do số liệu hoạt động sản xuất tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh, đồng USD suy yếu, tồn trữ giảm đã thúc đẩy thị trường và kỳ vọng nhu cầu kim loại công nghiệp sẽ tăng mạnh.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,4% lên 6.691 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 6.830 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 6/2018 và tính từ giữa tháng 3/2020 đến nay, giá đồng tăng 56%.
Chỉ số Quản lý Sức mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng 8/2020 tăng lên 53,1 từ mức 52,8 trong tháng 7/2020. Đây là tháng tăng thứ 4 liên tiếp và đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2011.
Tồn trữ đồng tại London chạm 88.250 tấn, thấp nhất kể từ tháng 12/2005 và tính từ giữa tháng 5/2020 đến nay, tồn trữ đồng giảm gần 70%.
Giá quặng sắt và thép cây tiếp đà tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng, do tăng trưởng hoạt động nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 8/2020 cao hơn so với dự kiến, làm giảm bớt lo ngại về các hạn chế thiêu kết mới tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên tăng 0,2% lên 846,5 CNY (124,06 USD)/tấn, tăng phiên thứ 4 liên tiếp.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Singapore tăng 0,6% lên 119,02 USD/tấn và có phiên tăng thứ 3 liên tiếp.
Hoạt động nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 8/2020 tăng nhanh nhất trong gần 1 thập kỷ, được thúc đẩy bởi các đơn hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong năm nay.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,3%, giá thép cuộn cán nóng tăng 1,2%, trong khi giá thép không gỉ giảm 0,1%.
Giá cao su tại Osaka cao nhất 7 tháng
Giá cao su tại Osaka tăng lên mức cao nhất 7 tháng mới, do nhu cầu nhà máy ngoài Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất – hồi phục.
Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn Osaka tăng 2,3 JPY tương đương 1,1% lên 196,7 JPY/kg, cao nhất 7 tháng. Tính chung cả tháng, giá cao su tăng gần 20%.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 40 CNY tương đương 0,3% lên 12.820 CNY/tấn.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 8/2020 tăng nhanh nhất trong gần 1 thập kỷ, khi các nhà máy thúc đẩy sản lượng để đáp ứng nhu cầu hồi phục. Các đơn hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong năm nay.
Giá cà phê vẫn cao nhất 8 tháng
Giá cà phê Arabica tăng lên mức cao nhất 8 tháng do đồng real Brazil tăng mạnh và các nhà đầu tư thúc đẩy mua vào khi nền kinh tế vĩ mô được cải thiện.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE tăng 2,35 US cent tương đương 1,8% lên 1,314 USD/lb, cao nhất kể từ ngày 2/1/2020 (1,327 USD/lb).
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London tăng 34 USD tương đương 2,4% lên 1.463 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.471 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 12/2019.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7/2020 giảm 11% so với tháng 7/2019 xuống 10,61 triệu bao (60 kg), Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết.
Giá cà phê hòa tan tại Mỹ trong quý 2/2020 tăng 5,5%, trong khi doanh số bán tăng 13,7% do nhiều người tiêu dùng tại nước này làm việc ở nhà bởi đại dịch Covid-19, uống nhiều cà phê hòa tan tiện lợi.
Giá đường diễn biến trái chiều
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE giảm 0,06 US cent tương đương 0,5% xuống 12,6 US cent/lb.
Trong khi đó, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 2,8 USD tương đương 0,8% lên 362,5 USD/tấn.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo thiếu hụt đường toàn cầu năm 2020/21 ở mức 724.000 tấn, do tiêu thụ hồi phục từ Covid-19.
Sản lượng đường tinh luyện từ củ cải đường của Đức niên vụ 2020/21 dự báo sẽ giảm xuống 4,12 triệu tấn so với 4,23 triệu tấn niên vụ trước.
Giá lúa mì cao nhất 5 tháng, đậu tương và ngô tăng
Giá lúa mì tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 5 tháng do kỳ vọng doanh số xuất khẩu tăng, trong khi giá ngô và đậu tương duy trì vững trong bối cảnh không chắc chắn về quy mô vụ thu hoạch sắp tới tại Trung tây Mỹ.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 11-3/4 US cent lên 5,64 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 1/4/2020. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 1-1/4 US cent lên 9,54-3/4 USD/bushel, giảm từ mức cao nhất 2 năm (9,66-3/4 USD/bushel) trong phiên trước đó. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 1/4 US cent lên 3,58 USD/bushel, trước đó trong phiên chạm mức thấp nhất 1 tuần (3,51 USD/bushel), giảm trở lại từ mức cao nhất 5 tháng (3,64-1/4 USD/bushel) trong phiên trước đó.
Giá dầu cọ cao nhất gần 1 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng lên mức cao nhất gần 1 tháng, tăng phiên thứ 4 liên tiếp do giá dầu đậu tương và dầu thô tăng, mặc dù xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong tháng 8/2020 giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 54 ringgit tương đương 1,97% lên 2.792 ringgit (673,58 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 4/8/2020.
Tính chung cả tháng, giá dầu cọ tăng 2,3% - tháng tăng thứ 2 liên tiếp.
Xuất khẩu sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong tháng 8/2020 giảm 13-15% so với tháng 7/2020.