Tổng quan thị trường hàng hóa ngày 15/9: Giá vàng tăng do USD yếu đi
Ngày: 15/09/2020 lúc 10:35AM
Dầu giảm
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên 14/9 do Lybia đã sẵn sàng khôi phục sản xuất dầu giữa bối cảnh thị trường lo ngại về khả năng kinh tế thế giới hồi phục khó khăn làm giảm nhu cầu đối với mặt hàng này. Giá giảm bất chấp dự báo sắp xảy ra một cơn bão có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu của Mỹ.
Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 22 US cent (0,6%) xuống 39,61 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 7 US cent (0,2%) xuống 37,26 USD/thùng.
Bão Sally đã mạnh dần lên ở Vịnh Mexico từ ngày 13/9, làm gián đoạn sản xuất dầu lần thứ 2 chỉ trong vòng chưa đầy một tháng sau cơn bão Laura.
Theo ông Bob Yawger, giám đốc phụ trách mảng năng lượng của công ty Mizuho ở New York, cho biết: "Cơn bão đang khiến hoạt động sản xuất dầu ở Vịnh Mexico bị gián đoạn, vậy mà thị trường không quan tâm đến điều đó, cho thấy tình hình của thị trường dầu mỏ đang ‘tồi tệ’ đến mức nào" – ám chỉ đến nhu cầu dầu.
Thông thường, giá dầu sẽ tăng khi các cơ sở ngừng sản xuất. Nhưng với đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến xấu đi, vấn đề nhu cầu được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu, trong khi nguồn cung trên toàn cầu tiếp tục tăng.
Vàng tăng do USD yếu đi
Giá vàng tăng 1% trong phiên vừa qua do USD yếu đi và hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chính sách ôn hòa.
Cuối phiên, vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.954,68 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,8% lên 1.963,7 USD/ounce. USD đã giảm 0,3% so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt.
Các nhà đầu tư hiện đang theo dõi xem Fed trong ngày 16/9 sẽ có quyết định như thế nào về chính sách, và dự báo tổ chức này sẽ duy trì mục tiêu tỷ lệ lạm phát 2% trong thời gian dài và tăng cường nới lỏng định lượng. Quyết định về chính sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng là một mục tiêu để các nhà đầu tư theo dõi lúc này – BoJ sẽ đưa ra quyết định vào ngày 17/9.
Trong khi đó, Liên minh Châu Âu đang gia tăng sức ép buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson phải từ bỏ ý định phá bỏ thỏa thuận Brexit.
Các nhà đầu tư vàng cho rằng giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trước những bất ổn chính trị ở Mỹ, Brexit và những điều kiện kinh tế yếu kém trên khắp thế giới.
Đồng cao nhất 26 tháng
Giá đồng tăng trong phiên vừa qua do nhu cầu mạnh ở Trung Quốc, lượng đồng lưu kho trên sàn London thấp lịch sử và đồng USD yếu đi.
Kết thúc phiên, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) tăng 0,8% lên 6.790 USD/tấn. Trước đó, trong cùng phiên, có lúc giá đạt 6.792,5 USD, gần sát mức 6,830 USD – cao nhất 26 tháng – đạt được hồi đầu tháng 9/2020.
Lượng đồng xuất kho ngày càng tăng nhanh nên lượng lưu trữ trên sàn LME hiện chỉ còn 74.875 tấn, thấp nhất kể từ 2005 – khi đó giá cũng tăng mạnh do nhu cầu của Trung Quốc tăng nhanh.
Trong khi đó, theo nhà phân tích John Meyer của SP Angel, kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh chóng, một phần do các biện pháp kích thích kinh tế, và khi các nhà máy hoạt động nhanh trở lại, nhu cầu nguyên liệu gia tăng khiến cho thị trường đồng ngày càng bị thắt chặt hơn. Được biết, Trung Quốc đã tăng cường các khoản cho vay mới trong tháng 8 nhiều hơn dự kiến, trong khi tăng trưởng tín dụng cũng tăng mạnh.
Đậu tương đạt 10 USD/bushel do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc
Giá đậu tương trên sàn Chicago tăng trong phiên vừa qua, với hợp đồng giao dịch nhiều nhất đạt trên 10 USD/bushel lần đầu tiên trong vòng 2 năm do nhu cầu mạnh từ khách hàng Trung Quốc. Giá ngô cũng tăng nhẹ vào lúc đóng cửa sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất 6 tháng, lúa mì cũng tăng giá.
Đậu tương kỳ hạn tháng 11 có thời điểm đạt 10,08-3/4 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2018, sau đó đóng cửa ở mức 9,99-1/2 USD/bushel, tăng 3-1/2 US cent so với đóng cửa phiên trước.
Ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 1 US cent lên 3,69-1/2 USD/bushel, trước đó có thời điểm đạt 3,71 USD, cao nhất kể từ ngày 16/3. Lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 3-3/4 US cent/bushel.
Giá đậu tương tăng một phần nữa cũng bởi báo cáo mới công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã hạ dự báo về sản lượng và tồn trữ cuối vụ 2020/21 của nước này.